Chưa gặp Nguyễn Quỳnh Anh nhưng tôi đã được đọc thơ anh trên báo Văn nghệ, Giáo dục Thời đại, trên tạp chí Văn nghệ Ninh Bình…và ấn tượng với một giọng thơ “quê kiểng” mà sâu lắng. Trong lần dự trại sáng tác Văn học Nghệ thuật (Thịnh Long- Hải Hậu- Nam Định, tháng 12/ 2018) do Hội VHNT Ninh Bình tổ chức, tôi đã được gặp tác giả thơ trẻ này. Quả đúng là “Người thơ phong vận như thơ ấy” (Hàn Mặc Tử). Con người của Quỳnh Anh vừa có vẻ hiền lành “bí ẩn”, vừa có nét quê quê, khiến cho ai gặp rồi khó có thể quên được.
Xuất thân từ “đất học” Yên Khánh, hiện là giáo viên Ngữ Văn tại trường Trung học phổ thông Kim Sơn A, môi trường ấy đã nuôi dưỡng và bồi đắp hồn thơ Nguyễn Quỳnh Anh ngày càng đơm hoa kết trái. Năm 2018, anh đạt giải “Lục bát trăng vàng” trong cuộc thi thơ Tổ Quốc và Đạo pháp, và cuối năm 2018, anh được kết nạp vào bộ môn thơ – Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình. Với một tác giả trẻ về tuổi đời và tuổi nghề, thì đó cũng là phần thưởng xứng đáng, là điểm tựa để thơ anh có cơ hội phát triển và thăng hoa…
“Gửi lại nhà quê” là tập thơ đầu tay của Nguyễn Quỳnh Anh (NXB Văn học, 2018). Ngay cái tên của tập thơ cũng đã hé lộ phần nào cái chất “quê kiểng” trong thơ Quỳnh Anh. Thật ra, không phải tập thơ chỉ bó gọn trong đề tài “nhà quê”, nhưng “nhà quê” vẫn là nổi bật, là điểm nhấn xuyên suốt tác phẩm. Trường từ ngữ chỉ “nhà quê” đầy ăm ắp trong tập thơ (nhà quê, làng, xóm, đồng, bãi, luống cầy, nón mê, mo cau, rau muống, cà tương, cọng rơm, bông súng, ngụm vối tươi, tôm cá, mớ ốc, bánh đúc, bánh đa, bánh dày, hoa cà, hoa gạo, hoa nhài, chùm dâu da, quả na, dậu cúc tần, bờ đê, cải ngồng, mắm cáy, cơm nắm muối vừng…), đó là những chất liệu chính tạo nên “Chất quê kiểng trong thơ Nguyễn Quỳnh Anh”.
Điều làm nên “hồn cốt” tập thơ là giọng điệu lục bát ngọt ngào chuyển tải tình quê da diết. Mặc dù tập thơ không chỉ có riêng một giọng lục bát, nhưng chất đằm thắm dịu dàng là đặc điểm của thể loại này cũng là thế mạnh của Nguyễn Quỳnh Anh vẫn là nét chủ đạo. Thơ lục bát của anh có nhiều bài hay, câu hay. Theo chủ quan của tôi, thì Quỳnh Anh không phải là người ham cách tân, câu thơ lục bát của anh vẫn trung thành với lối truyền thống, nhưng không nhàm chán, xáo rỗng, mà nó vẫn có cái “duyên” để níu lòng người. Đọc những câu thơ đầy ắp nỗi niềm: Nửa đời phố thị chen chân/ Bon chen rồi cũng phù vân kiếp người/ Ta về nhấp ngụm vối tươi/ Chuyện làng chuyện họ nói cười râm ran (Đồng Đồi)… Rồi: Tháng Năm rát bỏng bờ đê/ Nhà ta rơm lúa bộn bề ngõ sân… Nửa đời phố thị đi xa/ Ta về gặp lại quê nhà rưng rưng (Về đồng)… lòng ta lại dạt trào niềm yêu mến về nơi ta đã sinh ra và lớn lên. Nơi ấy, có ông bà cha mẹ ta và cả một khoảng trời ấu thơ đong đầy kỉ niệm. Vâng Nhà quê mà không hề quê, bởi đó là nơi ta đi xa luôn muốn quay về tìm lại một thời xa xanh, nơi níu giữ hồn ta mỗi khi chao đảo; là tình cảm thắm thiết mặn nồng của cha mẹ, ông bà và những người quê hồn hậu, chân chất: Nhà quê vẫn cứ hiền lành nhà quê.
Không cầu kì đánh bóng, bằng lối nói giản dị, dân dã như lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân quê, mà vẫn dẫn dắt hồn người về với những điều trân quý: Nhà quê muối mặn cay gừng/ Một mai bỏ phố ngập ngừng…lối quê (Về đồng); Nhà quê quen nếp cà dưa/ Suốt đời tằn tiện mà chưa hết nghèo (Nhà quê 1); Nhà quê một nắng hai sương/ Áo nâu bạc phếch nẻo đường nhà quê… Đồng làng vẫn nắng vẫn mưa/ Vụ chiêm vẫn úng vụ mùa vẫn khê/ Cánh cò bạc phếch chân đê/ Nghe trong câu hát lời quê nhạt nhòa… (Lời quê). Những câu thơ như thế lắng lại, rồi rưng rưng… Quê nghèo mà ấm áp nghĩa tình: Người đi về phía nhớ thương/ Để sông để gió vấn vương bên này (Về lại sông Cờ); Ngay cả con đường quê quen thuộc, bỗng chốc cũng thành cái cớ để người thơ trải lòng da diết: Đường quê vàng những cọng rơm/ Nhà ai cơm mới hương thơm khắp làng (Đồng Đồi); Phiên chợ quê cũng phần nào thể hiện nét quê, nét làng: Gặp nhau xóm dưới làng trên/ Đầu đội tay xách chẳng quên lời chào (Chợ Bể)
Thơ Nguyễn Quỳnh Anh ngổn ngang chất quê, bề bộn nỗi quê, sâu lắng tình quê. Nếu chỉ dừng lại ở tên bài thơ thì Nhà quê cũng có ba bài: Nhà quê (1), Nhà quê (2), Nhà quê (3). Chưa hết, chất liệu “quê” còn không ít lần được tác giả sử dụng làm tiêu đề cho khá nhiều bài thơ (Yên Khánh quê mình, Tạ lỗi nhà quê, Sông quê, Lời quê, Mơ quê, Gửi lại nhà quê, Đoản khúc quê, Chợ quê mình, Mái trường quê hương.). Không chỉ ở những bài thơ ấy, lật giở bất cứ trang nào của của cuốn sách, ta cũng bắt gặp “mạch quê” ào ạt tuôn chảy…
Phải nặng lòng với quê như thế nào, câu thơ của Quỳnh Anh mới da diết về Nhà quê đến vậy. Chẳng hề giấu giếm thân phận “nhà quê”, rất tự tin, tự hào được làm người nhà quê chân lấm tay bùn, thơ anh cứ thế mà thao thiết với bao nỗi vui buồn nơi quê. Có lẽ vì thế mà trong tập thơ, tác giả rất nhiều lần khẳng định cái “ta”, cái “tôi” qua cách xưng hô: Ta về, tôi về; quê ta, làng ta, tình ta, bước ta, nhà ta, mẹ ta, cha ta… Đặc biệt cụm từ “Ta về” trở đi trở lại trong suốt tập thơ, như một sự níu giữ tình quê bền chặt.
Trước sự đổi thay của xã hội, làng quê cũng đổi thay như một lẽ tất nhiên. Những người yêu quê hương, gắn bó với quê hỏi có ai mà không nhìn ra sự thay đổi ấy? Bắt đầu là sự đổi thay về cơ sở vật chất, những nét làng, nét quê đang dần dần mai một: Những dậu mồng tơi, hàng râm bụt, dãy tơ hồng, rặng tre xanh mát đâu còn, mà thay bằng tường cao sắt nhọn… Cao tầng khuất mái đình quê. Bởi: Đất làng chia lô cả rồi/ Cây đa cũng hóa đơn côi sân đình… Bê tông hóa cả triền đê/ Cỏ gà không biết lạc về nơi nao/ Chẳng ai vo gạo cầu ao/ Chẳng ai gánh nước giếng thao thức buồn (Đất làng); Đê làng chẳng có sáo diều/ Cào cào châu chấu phiêu diêu cuối đồng… Đó là hiện thực làng quê đã và đang thay đổi. Cũng không thể nói thay đổi là sai, nhưng dù sao, sự thay đổi cũng ít nhiều đem lại cảm giác bâng khuâng, hoài cổ: Hội làng câu hát vấn vương/ Ta về lạc mấy nẻo đường nhà quê. Đến sự đổi thay về hình thức của con người, em bây giờ “Tóc nâu, váy ngắn” và: Gái trai ra cả thị thành/ Đồng làng bỏ lại mong manh nắng chiều (Lời quê). Nhưng cho dù làng quê có thay đổi thì trước sau trong thơ Quỳnh Anh, tình người vẫn không đổi, cho dù dở dang chuyến đò: Bây giờ em cũng… người ta; Bến xưa người đã theo chồng; cho dù Em buông lơi một câu thề/ Một mình tôi cả triền đê…một mình. Bởi có một niềm tin chắc chắn rằng: Nhà quê mặn muối cay gừng/ Một mai bỏ phố ngập ngừng… lối quê (Về đồng); Mái đình bến nước cây đa/ Thiêng liêng từ thuở ông bà ta xưa (Mơ quê); Nhà quê cơm nắm muối vừng/ Một mai bỏ phố rưng rưng ta về (Gửi lại nhà quê).
Chất quê kiểng trong thơ Nguyễn Quỳnh Anh nằm ở thi tứ, thi ảnh, giọng điệu và ở cách sử dụng từ ngữ… ta có thể bắt gặp điều này ở phần đa các bài thơ trong tập “Gửi lại nhà quê”. Phải chăng, ngay chính tiêu đề tập thơ đã bao hàm dụng ý nghệ thuật của tác giả? Không phải thế sao những tâm tư tình ý tác giả gửi gắm qua mỗi câu chữ, mỗi bài thơ đều như nói lên tình cảm và ân nghĩa sâu nặng của mình với quê?
Trong rất nhiều không gian (làng, cánh đồng, chợ…), thì có một không gian khá nổi bật, khắc sâu thêm chất “quê kiểng” trong thơ Quỳnh Anh, đó là không gian “chợ”. Từ tên bài thơ đã thấy rõ sự phong phú của không gian này: Chợ Bể, Về chợ Cát, Chợ Năm Dân, Về với chợ Xanh, Chợ quê mình, Nhớ chợ Giát. Đây đó trong những bài thơ khác, chợ vẫn còn được nói đến như một biểu tượng của làng quê. Chợ là nơi tấp nập ồn ào bán mua: Vẫn đây tôm cá đồng Đồi/ Đồng Hương mớ ốc chào mời râm ran… nơi hội tụ những nét văn hóa làng quê: Quanh quanh gốc đa, gốc bàng/ Cũng bày đủ cả mặt hàng nhà quê/ Thuốc lào rít khói đê mê/ Chè xanh mấy bát chưa về được ngay (Chợ Bể); nơi trao gửi tình cảm, nơi lưu giữ những bình dị đậm đà hồn quê: Chợ quê mua bán nhẹ nhàng/ Câu chào cửa miệng phố làng thân quen (Chợ Năm Dân). Khai thác không gian này, thơ Quỳnh Anh vẫn nhẹ nhàng đi vào lòng người, bởi những dung dị thân quen của sắc thái Chợ. Mỗi phiên chợ đều có những nét chung, nhưng vẫn có nét riêng của sản vật địa phương cũng như đất lề, quê thói mỗi vùng. Vậy nên, “Chợ” cũng là một trong những nét quê kiểng không thể thiếu trong thơ Quỳnh Anh.
Ngoài tình quê, chất quê, tập thơ còn đề cập đến nhiều khía cạnh khác như: Truyền thống quê hương, lòng biết ơn, tình yêu lứa đôi, hoặc tình cảm của tác giả với mỗi địa danh đi qua… Mặc dù vậy, dấu ấn Nhà quê vẫn in đậm nét và rõ nhất trong thơ Nguyễn Quỳnh Anh- nhất là ở những bài thơ lục bát. Thơ Quỳnh Anh giản dị dễ hiểu nên dễ đi vào lòng người. Tuy nhiên, nếu tác giả không chú ý tìm tòi, đổi mới, khắc sâu… thì đây vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm. Nó dễ tạo ra sự đều đều, nhàm chán, lặp lại. Ở tập thơ đầu tay này, vẫn có những câu, từ ngữ trùng lặp (lỡ làng Giêng, Hai; hao gầy tháng năm…). Với một tác giả trẻ lần đầu ra sách, thì hạn chế về mặt này, mặt kia là điều khó tránh. Mong sao tác giả phát huy sở trường lục bát, khắc phục thiếu sót để ngày càng có những mùa gặt hứa hẹn trên cánh đồng thơ.
Nguyễn Thị Bình