HƯỞNG ỨNG NĂM DU LỊCH QUỐC GIA 2021 – HOA LƯ, NINH BÌNH

     

     Ninh Bình nổi tiếng là vùng đất giàu tài nguyên du lịch với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đẹp và môi trường sinh thái tự nhiên có giá trị. Đây cũng là vùng đất có địa hình đa dạng, phân bổ thành 3 vùng tương đối rõ, đó là vùng núi cao, vùng đồng bằng và vùng ven biển. Những điều kiện đó cho phép Ninh Bình phát triển ngành du lịch một cách toàn diện, đa màu sắc.

     Với 3/4 diện tích là đồi núi, địa hình karst đa dạng, hệ thực vật phong phú đã hình thành nên nhiều khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn du khách gần xa, đặc biệt là những người ưa loại hình du lịch sinh thái. Có thể kể ra các khu, điểm du lịch như: Tam Cốc-Bích Động, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, động Thiên Hà… Đặc biệt, với giá trị nổi bật về văn hóa, cảnh quan, thiên nhiên và địa chất, địa mạo, ngày 25/6/2014 Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, tạo nên tiếng vang lớn góp phần đưa du lịch Ninh Bình từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và trung tâm du lịch của vùng và cả nước.

      Ninh Bình cũng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với 1.821 di tích, gồm 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt). Một số di tích lịch sử văn hóa quan trọng như: Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Vua Lê Đại Hành, đền Thái Vi, đền Đức Thánh Nguyễn, đền Trương Hán Siêu, chùa Bái Đính, chùa Bích Động, chùa Nhất Trụ, nhà thờ đá Phát Diệm… Đặc biệt, Ninh Bình được nhiều người biết đến là kinh đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, tồn tại 42 năm (năm 968-1010) gắn liền với 3 triều đại: Nhà Đinh, Nhà Tiền Lê và Nhà Lý.

        Bên cạnh những di tích lịch sử, văn hóa, Ninh Bình còn là vùng quê chứa đựng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể nổi tiếng với 225 lễ hội truyền thống, trong đó có nhiều lễ hội đặc sắc được du khách trong và ngoài nước biết đến như: Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Lễ hội đền Thái Vi, Lễ hội chùa Bích Động, Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Báo bản Nộn Khê, Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ. Nơi đây cũng là đất tổ của nghệ thuật hát xẩm, hát chèo và nhiều làng nghề truyền thống, tiêu biểu như: Làng nghề thêu Văn Lâm, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư), các làng nghề chế biến cói ở Kim Sơn, nghề gốm Bồ Bát (Yên Mô). Ngoài ra, Ninh Bình còn được biết đến bởi nét đặc sắc về văn hóa ẩm thực với nhiều món ăn nổi tiếng như: Thịt dê, cơm cháy, nem Yên Mạc (Yên Mô), rượu Lai Thành (Kim Sơn), mắm tép Gia Viễn…

       Năm 2021 là năm tỉnh đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021. Tỉnh xác định đây là cơ hội để ngành du lịch phục hồi và bứt phá sau đại dịch COVID-19, đồng thời cũng là cơ hội để tỉnh tiếp tục quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch đến với Ninh Bình, tạo sự phát triển đột phá về du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển… Phấn đấu đến năm 2025 ngành du lịch Ninh Bình cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; đến năm 2030 thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

       Để tổ chức thành công sự kiện này, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 14/1/2021 về việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021-Hoa Lư, Ninh Bình; Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 28/3/2021 về việc tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia-Lễ hội Hoa Lư năm 2021. Theo chương trình, Năm Du lịch Quốc gia 2021 diễn ra ở 27 địa phương trong cả nước, với 104 sự kiện. Tỉnh Ninh Bình-địa phương đăng cai tổ chức chủ trì 38 hoạt động, trong đó có 11 hoạt động trọng tâm, gồm: Tổ chức họp báo giới thiệu Năm Du lịch Quốc gia 2021; Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2021 (kết hợp khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2021, ngày 9/3 âm lịch); Lễ hội chùa Bái Đính (khai hội ngày mùng 6 tháng Giêng); Lễ hội Hoa Lư (ngày 9-11/3 âm lịch); Lễ hội Tràng An (ngày 18/3 âm lịch); Lễ đàn Kính thiên, Tuần Du lịch “Sắc vàng Tam Cốc- Tràng An”, Triển lãm Mỹ thuật “Di sản văn hóa Ninh Bình” năm 2021 và Triển lãm ảnh nghệ thuật “Ninh Bình huyền thoại” (các sự kiện này tổ chức trong quý II/2021); Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn (tổ chức cuối tháng 4); Hội chợ triển lãm Công nghiệp thương mại và Du lịch Ninh Bình (thực hiện quý III); Lễ bế mạc Năm Du lịch Quốc gia 2021 (tổ chức tháng 12).  Ngoài 11 hoạt động trọng tâm, còn có 27 hoạt động khác được tổ chức trên địa bàn tỉnh, diễn ra vào các thời điểm trong năm, sẽ thu hút được nhiều giới chuyên môn và du khách tham dự.

       Trong tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, các hoạt động của Năm du lịch Quốc gia sẽ diễn ra để tăng cường công tác quảng bá xúc tiến liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương trên cả nước, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, du lịch tỉnh Ninh Bình nói riêng tới du khách trong và ngoài nước. Các cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường khi tham gia các lễ hội, các hoạt động du lịch hưởng ứng năm Du lịch quốc gia cần tuân thủ các quy định của Ban tổ chức, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, khai báo y tế đầy đủ.

(Theo https://baoninhbinh.org.vn/ )