CÂU CHUYỆN ĐẦY Ý NGHĨA TRONG CHƯƠNG TRÌNH SINH HOẠT CHÍNH TRỊ
THÁNG 11 NĂM 2024 CỦA TRƯỜNG THPT KIM SƠN A
“Nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang”
Vào sáng thứ Hai, ngày 4 tháng 11 năm 2024, chương trình sinh hoạt chính trị thường kì của trường THPT Kim Sơn A đã được bắt đầu với câu chuyện về Bác Hồ: “Nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang”. Câu chuyện là những kí ức, kỉ niệm của một nhà giáo đã tốt nghiệp Thạc sĩ Toán học ở Pháp và theo tiếng gọi của tình yêu đất nước, tinh thần cống hiến cùng với kỉ niệm sâu sắc và tình cảm, sự tôn kính dành cho Bác Hồ, cô đã về nước để cống hiến trí tuệ, công sức cho sự nghiệp giáo dục của của quê hương mình. Câu chuyện được em Thu Huyền, học sinh lớp 11B11 thể hiện bằng chất giọng truyền cảm, cuốn hút.
Câu chuyện gợi lên trong lòng mọi người nhiều suy nghĩ. Trong mẩu chuyện, khi đến thăm trường nữ học sinh của Hà Nội, Bác đã dạy cho một em nữ sinh cách đọc tiếng Anh sao cho đúng. Ngoài tiếng Anh, Bác biết nhiều ngoại ngữ như tiếng Pháp, Ý, Trung, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Thái Lan và một số ngoại ngữ khác. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan kể: … Vào những năm đầu 1960, và khi đó Bác cũng đã cao tuổi nhưng vẫn chăm chỉ học ngoại ngữ. Cả đời ông chưa thấy ai chăm học ngoại ngữ như Bác. Ngày nay, các em học sinh có điều kiện hết sức thuận lợi để học ngoại ngữ. Bởi vậy chúng ta càng cần phải cố gắng, phải học tập tinh thần chăm chỉ, nỗ lực và tinh thần đam mê học hỏi của Bác. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể nhanh chóng tiến bộ trên con đường học ngoại ngữ.
Điều thứ hai, trong câu chuyện Bác đặc biệt quan tâm đến những người làm trong ngành giáo dục. Bác đã khẳng định: “Nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang”, Bác ân cần chỉ bảo phải thật sự yêu nghề mình, thật sự yêu trường mình. Đúng vậy, khi yêu trường, yêu nghề, mỗi người giáo viên sẽ luôn giữ được nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, xứng đáng với những gì Bác đã kì vọng, gửi gắm.
Nội dung SHCT tháng 11:
“Nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang”
“Một buổi sáng mùa Thu năm 1946, giữa Thủ đô Hà Nội rợp bóng cờ sao, Bác Hồ đến thăm trường tôi, một trường nữ học sinh duy nhất ở Thủ đô.
Tôi quên sao được gương mặt hiền từ và giọng nói ấm áp của Bác. Tôi quên sao được giờ học tiếng Anh của lớp tôi, mà Bác đã vào dự. Tôi được cô giáo gọi lên đọc bài. Không hiểu vì vui sướng, cảm động hay vì quá mất bình tĩnh, tôi đã phát âm sai một vài chỗ. Thế rồi Bác từ từ đi lại phía tôi. Tự nhiên như một bà mẹ hiền âu yếm dạy con tập nói những tiếng nói bập bẹ đầu tiên, Bác đứng sát bên tôi đọc mẫu và nhẹ nhàng uốn nắn cho tôi đọc từng chữ một: “Hao-dơ” (house là cái nhà) cháu chú ý chữ “S”, là như chữ d trong tiếng Việt.
Tôi ngoan ngoãn đọc lại “hao-dơ” và Bác động viên ngay:
– Thế, cháu đọc thế mới đúng. Cháu đọc từ tiếp theo.
– “mân-th” (month là tháng).
– Chưa thật đúng. Cháu phải chú ý âm cuối của từ, đây là một loại “âm cổ” là chính chứ không phải “âm lưỡi”. Nếu phiên âm ra tiếng Việt của ta thì nó nửa là “th” và nửa là “ph”. Cháu nghe Bác đọc.
Thế rồi Bác đọc lại để tôi đọc theo cho đến khi tôi phát âm chính xác Bác mới thôi. Sau đó Bác âu yếm xoa đầu tôi và bảo: Bây giờ đã cách mạng rồi thì gái cũng như trai đều phải cố gắng học tập cháu nhé!
Tôi cảm động cúi xuống “vâng ạ”.
Ôi! Diệu kỳ biết bao buổi đến thăm trường của Bác. Cử chỉ và lời nói giản dị ấy của Bác cũng như những cảm giác mới mẻ về đất nước trong những ngày tháng 8-1945 đã để lại những ấn tượng hết sức sâu sắc trong ký ức tuổi thơ của tôi.
Từ đó về sau, trong từng chặng đường, tôi luôn luôn cố gắng làm theo lời Bác. Và cũng qua từng chặng đường, tôi lại được nghe bạn bè kể thêm những mẩu chuyện về Bác hết sức lý thú.
Giờ đây, tôi đã có nghề, đất nước đang cần có thêm bàn tay khối óc của những đứa con thân yêu. Và cũng mấy năm nay, từ trên đất Pháp nhiều anh chị em trí thức đã trở về Tổ quốc sát cánh cùng nhân dân xây dựng đất nước…
Không đắn đo, suy nghĩ gì khác nữa. “Trở về”, tôi dứt khoát quyết định. Ngửng nhìn lên ảnh Bác, tôi có cảm tưởng như Bác đang mỉm cười bằng lòng với quyết định mới của đứa cháu thân yêu.
Thế là ba tháng sau khi nhận bằng Thạc sĩ toán học, tôi lên đường trở về đất nước, hành lý mang theo của tôi chỉ là hai chiếc vali đựng đầy sách vở cần thiết và một số quần áo thường dùng của hai mẹ con. Lòng thanh thản, tôi bước chân lên máy bay từ giã nước Pháp cổ kính trở về theo tiếng gọi của Tổ quốc, tiếng gọi của Bác Hồ.
Về nước, sau một tuần nghỉ ngơi và thăm hỏi bà con, tôi xin đến nhận công tác ngay ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đây là một trong những trường lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, một trường mà Bác đã trao nhiệm vụ là: … “Phải biến trường này thành một trường mô phạm cho cả nước noi theo”.
Giữa một buổi sáng mùa Đông, trời hơi lạnh, vẫn trong bộ kaki vàng quen thuộc, Bác đã đến với chúng tôi.
Từ ngày về nước, tôi đã được một số lần gặp Bác trong các buổi chiêu đãi ở Câu lạc bộ quốc tế hoặc Câu lạc bộ Ba Đình. Mỗi lần gặp Bác tôi lại tưởng như mình vừa phát hiện thêm được một điều gì ở Bác mà trước đây tôi chưa hề biết hoặc biết chưa thật cụ thể. Lần này cũng thế, trong lúc Tổng thống Môđibô Câyta nói chuyện, một cán bộ của Bộ Ngoại giao rất giỏi tiếng Pháp đã được cử đến để phiên dịch. Đi giúp việc anh lại có thêm một người tốc ký giỏi. Khoảng bốn mươi phút đầu, chúng tôi thấy anh dịch rất tốt, nhưng sau đó phần vì Tổng thống nói một mạch quá dài mới dừng lại cho anh dịch, phần vì có lẽ thần kinh đã đôi chút căng thẳng cho nên có chỗ anh hơi lúng túng. Tự nhiên, trên hàng ghế đầu, tôi thấy Bác đứng dậy. Bác ghé sát bên tai anh nói nhỏ điều gì và từ lúc đó Bác trực tiếp dịch cho Tổng thống. Từ ngạc nhiên đến khâm phục, chúng tôi cũng tập trung toàn bộ trí lực của mình cố gắng nghe cả lời Tổng thống Câyta nói và lời dịch của Bác. Vẫn những mạch văn rất dài của Tổng thống, Bác dịch lại một cách rõ ràng, rành mạch từng câu. Tôi nhớ lại trước đây trong buổi chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm ngày 2-9-1960 tại Phủ Chủ tịch mà tôi được dự. Trước mắt cán bộ Việt Nam và đông đảo khách nước ngoài, Bác đã phát biểu bằng tiếng Việt và sau đó dịch luôn sang tiếng Nga, rồi tiếng Trung Quốc giữa niềm hân hoan của tất cả các bạn bè quốc tế đến dự.
Đã từ lâu, tôi được nghe nhiều đồng chí nói đến vốn ngoại ngữ phong phú của Bác. Ngày còn ở Pháp, tôi đã có dịp được đọc một số bài báo Bác viết trên tờ “Le Paria” (Người cùng khổ) và cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” xuất bản ở Pari, một cuốn sách bìa trắng, in chữ xanh mà một kiều bào cất giữ được. Tôi đã có nhiều suy nghĩ về văn phong của Bác và đặc biệt là về vốn từ ngữ tiếng Pháp rất giàu có và độc đáo mà chính chúng tôi, những người đã sống trên đất Pháp, cũng phải ngạc nhiên đến khâm phục.
Cũng trong buổi đến thăm trường sáng hôm đó, Bác đã nói chuyện với anh chị em cán bộ và học sinh chúng tôi. Hội trường lớn tự nhiên hôm nay trở nên nhỏ bé và chật chội lạ.
Như người cha lâu ngày đi xa nay trở về nhà gặp lại những đứa con thân yêu, Bác hỏi han tình hình mấy năm qua kể từ ngày Bác đến thăm trường lần trước (năm 1961). Bác khen chúng tôi đã đạt được hai ưu điểm lớn. Một là “tinh thần khắc phục khó khăn làm tròn nhiệm vụ”, hai là “Phong trào thi đua “hai tốt” ở đây làm khá”. Tiếp đến, Bác kể cho chúng tôi nghe về thành tích của hai bạn giáo viên miền núi không quản khó khăn gian khổ, đã tận tình đem hết sức mình phục vụ con em các dân tộc ít người. Và Bác kết luận: Đây là những cô giáo, thầy giáo anh hùng.
Trở lại tình hình nhà trường, Bác cũng phê bình chúng tôi hai điểm về vệ sinh và về công tác trồng cây mà Bác đã nhắc nhở. Nhớ lại ngày Bác đến thăm trường hồi đó, mỗi một anh chị em chúng tôi đều không ai quên được tác phong quen thuộc của Bác.
Bước vào cổng trường Bác đã đi đến kiểm tra ngay bếp ăn và chỗ ở của học sinh… Đấy là lần Bác đến thăm trường mà không hề báo trước như lần này. Sáng hôm đó, thầy trò chúng tôi đều đang làm việc trên lớp, tự nhiên nghe tiếng reo to từ phía ngoài: Bác Hồ! Bác Hồ đến! Thế là không ai bảo ai, mọi người đều chạy nhanh về phía Bác. Đoàn người mỗi lúc một đông quây quần quanh Bác, Bác âu yếm giơ tay vẫy gọi chúng tôi. Chúng tôi vui mừng vì thấy Bác hồng hào, khỏe mạnh và đặc biệt là Bác đi bộ rất nhanh. Nhiều anh chị em phải chạy tắt qua các rặng cây đón từng quãng đường để được nhìn thấy Bác rõ hơn.
Bác tiếp tục đi kiểm tra các nơi, đến đâu Bác cũng có lời nhận xét và chỉ bảo cho chúng tôi hết sức tỉ mỉ. Chúng tôi còn nhớ khi đến cạnh một hố giải đã được xây tường cao, quét vôi trắng cẩn thận, Bác còn chỉ thêm: Nên trồng một hàng râm bụt phía ngoài nữa cho kín đáo.
… Về nghề nghiệp của chúng tôi, Bác ân cần chỉ bảo phải thật sự yêu nghề mình, thật sự yêu trường mình. Nhiều anh chị em chúng tôi hết sức xúc động khi nghe Bác nhắc nhở là người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù không được đăng tên tuổi trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo, cô giáo tốt là những anh hùng vô danh.
Bác đã hiểu được tâm tư của một số anh chị em học sinh chúng tôi khi bước chân qua ngưỡng cửa của Trường Sư phạm. Có anh học sinh đã ở năm thứ hai ngồi trên ghế nhà Trường Sư phạm mà vẫn mơ về Bách khoa, về Tổng hợp.
Bằng câu chuyện về hai giáo viên trẻ vùng rẻo cao và những ý kiến khẳng định về nghề dạy học Bác xác định lại cho anh chị em học sinh chúng tôi quan niệm về nghề nghiệp, về tiền đồ và ước mơ của tuổi trẻ.
Từ trên bục cao của Hội trường, Bác đưa mắt lướt nhanh trên những gương mặt tươi trẻ đang chăm chú hướng cả về phía Bác, háo hức đợi chờ và Bác đã kết luận là nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang. Ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa chữa. Cả hội trường vang lên một tràng vỗ tay dài nói lên tất cả niềm hân hoan, phấn khởi của anh chị em chúng tôi. Bác cũng vỗ tay và âu yếm mỉm cười nhìn chúng tôi.
Buổi đến thăm trường năm ấy của Bác để lại trong chúng tôi những ấn tượng hết sức sâu sắc về vinh dự và trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, và học sinh trong nhà Trường Sư phạm.
Sau đó, nhà trường đã phát động rầm rộ một phong trào thi đua sôi nổi chưa từng có thực hiện lời dạy của Bác Hồ, và mỗi một chúng tôi đều tự xây dựng kế hoạch phấn đấu của mình với tất cả tấm lòng kính mến và biết ơn sâu sắc đối với Bác.
Hoàng Xuân Sính kể
(Trích nguồn: 128 câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình)